Tham vấn trị liệu từ liệu pháp nghệ thuật

Thứ ba - 01/10/2024 21:29
Nghe một đoạn nhạc hòa tấu, vẽ một bức tranh hay xem một bộ phim yêu thích tùy theo cách thức thể hiện và trải nghiệm được vận dụng luôn là những gợi hướng để giúp tiến trình chữa lành tổn thương được diễn ra. Nghệ thuật tưởng chừng chỉ là phương tiện đáp ứng nhu cầu giải trí của con người. Nhưng trong tham vấn trị liệu nghệ thuật còn là một liệu pháp can thiệp đã đem lại những kết quả chữa lành kinh ngạc trong hầu hết những tổn thương tâm lý ở chiều sâu. Sự vận dụng lĩnh vực nghệ thuật trong tiến trình can thiệp tham vấn như một biểu lộ của năng lực kết nối những cung bậc cảm xúc tương quan được hồi phục sau mỗi liệu trình trị liệu tâm lý. Tuy ở những mức độ rất khác nhau nhưng can thiệp từ liệu pháp nghệ thuật vẫn ngày càng khẳng định vị thế của mình trong tham vấn lâm sàng hiện nay.

Hầu hết các tiến hành được can thiệp bởi những phương tiện của nghệ thuật từ hội họa đến âm nhạc hoặc các nghệ thuật tạo hình khác đều được thực hiện dựa trên nhu cầu, sở thích và sự phù hợp theo thiên khiếu cùng sở thích của từng cá vị của chính thân chủ/ khách hàng. Những hoạt động ứng dụng các lĩnh vực nghệ thuật trên bình diện cá nhân lẫn nhóm đều đem đến những tác động thay đổi nhất định. Những thay đổi luôn xét đến bao gồm cả những cảm xúc tiêu cực lẫn tích cực sau khi được khởi hành bởi một thủ pháp của nghệ thuật. Bởi những thông điệp của tổn thương dường như được khơi thông cách mạch lạc hơn. Sự khắc phục của tình trạng tổn thương không chỉ dừng lại ở cấp độ tích cực nhưng còn được nhận diện bởi sự can đảm khai mở những tổn thương/ sang chấn trên bình diện của sợ hãi, hoài nghi, lo lắng,… Bởi khó thể có một bức tranh duy nhất một tông màu sáng/ tối trong chuỗi tổn thương cá nhân đã đương qua. Nên việc khơi gợi tất cả những yếu tố từ hạn chế lẫn tích cực trong tiến trình can thiệp của thủ pháp nghệ thuật chính là cơ hội cho chúng ta có được bức tranh mô tả toàn diện chân dung ngoại diện lẫn nội giới của chính thân chủ đang bị chiếm hữu dưới những tổn thương.
Một bài hát, một bức tranh có thể hay và cảm mến với người này thì có thể là nguồn cơn cho những cảm xúc giận dữ và tiêu cực với người khác. Đó là một điều tất yếu diễn tả tình trạng tổn thương cùng bối cảnh của mỗi người là rất khác nhau. Vì thế, một liệu trình nghệ thuật trong tham vấn không bao giờ là duy nhất cho mọi người là như nhau. Bởi thực thể của tham vấn luôn là một thực thể luôn linh hoạt biến động theo từng biến chuyển tâm trạng của thân chủ. Do đó, tham vấn viên cần có một năng lực và trực giác nhạy cảm thích ứng để lựa chọn một thể khúc phù hợp với từng cá vị của thân chủ. Điều này diễn tả phần nào năng lực và vốn trải nghiệm của tham vấn viên từng trải để hạn chế tối đa những phản ứng tiêu cực/ phản ứng ngược nơi từng thân chủ/ khách hàng. Những trải nghiệm chữa lành trong liệu pháp nghệ thuật được góp nhặt cách tiệm tiến theo từng tiến trình cách kiên nhẫn hết mức có thể. Bởi chỉ cần có một sơ suất nhỏ trong cách lượng giá liệu pháp và tiến trình cũng có thể làm cho mọi tiến hành trở nên “vô nghĩa” và sự tái khởi động sẽ là một phiền hà hơn là điều mong muốn từ thân chủ.
Hành trình chữa lành những tổn thương luôn được thôi thúc bởi các ước mong đem đến sự bình an và tự do của nội tâm của tất cả những thuộc thể liên quan dù trực tiếp hay gián tiếp[1]. Tuy nhiên, việc vận dụng những liệu pháp của nghệ thuật lại rất dễ dẫn đến những liên tưởng mang tính chất bất định và miên man. Từ đó cũng có thể tạo cơ nguy cho những tổn thương thay vì được giảm trừ thì trái lại lại có cơ hội cộng dồn theo mạch cảm xúc của nạn nhân đã từng trải qua. Đặc biệt với những ai có một tâm tính thiên về xu hướng quá nhạy cảm trước mọi biến chuyển từ ngoại giới lẫn nội giới. Do đó, việc sử dụng liệu pháp nghệ thuật trong can thiệp tham vấn không chỉ đơn thuần dùng nghệ thuật như là công cụ để hỗ trợ. Nó đòi hỏi người “sử dụng”/ tham vấn viên cũng phải có một năng lực nhất định về lĩnh vực nghệ thuật được triển khai. Vì các dấu hiệu của sự bù trừ hoặc thỏa hiệp thậm chí ngộ nhận thiên về một xu hướng cảm xúc rất dễ dẫn đến sự bằng lòng cách dễ dãi ở tầng biểu hiện mà xem nhẹ sự đào sâu nội tâm tổn thương. Do đó, việc dùng lĩnh vực nghệ thuật nào cũng chỉ là một lựa chọn mang tính cảm tính của tham vấn viên mà cần có một sự đồng hành/ soi dẫn của những chuyên gia trị liệu ở cấp độ lâm sàng thực thụ lượng giá.
Có rất nhiều con đường và phương cách để dẫn con người đến với một bộ môn nghệ thuật nào đó. Nhưng trong tham vấn trị liệu việc lựa chọn lĩnh vực nghệ thuật để tiến hành lâm sàng là một kết quả của quá trình được triển khai trên các bước như thăm dò – thử nghiệm – thực hiện và lượng giá. Việc này đòi hỏi tất cả các bên liên quan phải có một không gian bối cảnh phù hợp cùng với một sự cộng tác tương hỗ cách nhiệt huyết với quyết tâm cam kết vượt qua tổn thương. Vì không có “đường lui” cho một liệu trình trị liệu bằng liệu pháp nghệ thuật. Và kết thúc đột xuất lại là một tổn thương khác được ghi nhận thêm.
Có thể nói “hành trình sống của con người hành trình nghệ thuật” [2]dù nó được thể nghiệm các cấp độ và mức độ khác nhau. Chính sự nhiêu phong của nghệ thuật dường như vượt ra ngoài mọi khuôn khổ nên việc sử dụng nghệ thuật trong tham vấn trị liệu cũng là một lối đi củng cố sự biến thiên của tâm khảm con người trước từng cảnh huống. Chính nghệ thuật khi được vận dụng cách phù hợp chính là  phương thế để khơi thông mọi nguồn mạch của xúc cảm đã từng bị đè nén hoặc che đậy mà khứ đã đem lại. Sử dụng nghệ thuật trong trị liệu can thiệp cách phù hợp chính là phương cách hồi phục các tương quan vừa trên bình diện cá nhân lẫn tương quan liên vị.

 
Nguyễn Dũng
 
[1] Trần Đình Tuấn, 2014, Tham vấn tâm lý cá nhân& gia đình, Nxb ĐHQG Hà Nội
[2] Nicholas Cook, 2016, Dẫn luận về Âm nhạc, Nxb Hồng Đức

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây